Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp
Năm 2023, toàn tỉnh có 22 sản phẩm của 14 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh. Ðây là tiền đề quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Đa dạng sản phẩm từ nông nghiệp
Trong 22 sản phẩm được Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, chấm điểm và cấp giấy chứng nhận đạt OCOP 4 sao năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp có 12 sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho biết, công ty có 2 sản phẩm là khô nấm bào ngư 1 nắng và bào tử linh chi tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh. “Từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, công ty đã không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, con người… vận hành theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp xanh khép kín, để cho ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp”, ông Thành cho biết thêm.
Trong khi đó, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào là hồ tiêu, công ty CP Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã chế biến thành nhiều loại sản phẩm như tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu không hạt, vươn tầm khỏi mảnh vườn nhỏ để có mặt tại nhiều siêu thị trong và ngoài nước. Còn củ khoai mài (hay còn gọi là hoài sơn) lại được chế biến thành bột hoài sơn, sữa hoài sơn, bánh hoài sơn, cà phê hoài sơn… Tất cả đều được đóng gói bao bì mẫu mã bắt mắt, có thương hiệu, có mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đến nay, DN Bầu Mây đã 7 sản phẩm chế biến từ hạt tiêu và củ hoài sơn được công nhận OCOP từ 4 – 5 sao.
Quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Xuyên Mộc- một trong những địa phương đa dạng hệ sinh thái biển, núi rừng, được xem là những lợi thế để có thể tạo ra sản phẩm đa dạng từ nông nghiệp, nông thôn gắn với đặc trưng của vùng, miền. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc Dương Tấn Linh cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn huyện đã có 16 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và hơn 30 sản phẩm đặc trưng.
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ bà con trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.
Theo Sở NN-PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 5 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP (gồm: 1 điểm tại Sở NN-PTNT, 3 điểm trên địa bàn huyện Châu Đức và 1 điểm trên địa bàn huyện Long Điền). Các sở ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức giới thiệu, đưa 93 sản phẩm OCOP của 54 chủ thể lên sàn thương mại điện tử Bưu điện tỉnh (postmart.vn) và Viettel Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu (voso.vn); tổ chức 41 chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại cho 215 lượt DN, HTX và cơ sở tham gia; đồng thời triển khai xây dựng các điểm, khu du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.
Là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, huyện Châu Đức xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
“Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP; thiết kế bao bì, nhãn mác… thì sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương mới dễ dàng tiếp cận và đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết.